Sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế của Thủ đô trong tương lai sẽ kéo theo nhiều hệ lụy từ việc phát sinh chất thải gây ảnh hưởng tới môi trường. Chính vì vậy, nhằm giảm tải và tháo gỡ những khó khăn sẽ gặp phải trong thời gian tới, Hà Nội đã xây dựng đề án thu gom và xử lý chất thải theo khu vực. Đây được xem là lời giải cho bài toán chất thải của thủ đô trong thời gian không xa
Phát sinh nhiều xử lý chẳng được bao nhiêu
Theo số liệu từ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho thấy hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh 5.370 tấn chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, trong đó ở khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện, với trên 2.000 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt đến các khu xử lý tập trung chỉ là 3.875 tấn, đạt tỷ lệ 72%. Hà Nội hiện có 7 khu xử lý CTR sinh hoạt, trong đó có 4 bãi chôn lấp là Nam Sơn, Kiêu Kỵ, Xuân Sơn, Núi Thoong và có 3 nhà máy xử lý CTR ở Kiêu Kỵ, Cầu Diễn, Sơn Tây. Trong số 3.875 tấn CTR được xử lý mỗi ngày thì khối lượng rác được giải quyết bằng phương pháp chôn lấp là 3.670 tấn/ngày (xấp xỉ 95%).
Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có 4 quận trung tâm TP có tỷ lệ thu gom, xử lý CTR đạt tỷ lệ 100%, còn lại các quận, thị khác, tỷ lệ thu gom, xứ lý chỉ đạt từ 80 - 85%. Tỷ lệ này ở các huyện ngoại thành thấp hơn rất nhiều, trung bình đạt khoảng 60 - 70%. Ở các huyện này, 36% số xã có tổ chức thu gom, vận chuyển CTR đến các khu xử lý rác thải tập trung, 64% số xã còn lại tuy có thu gom nhưng không được vận chuyển đi mà tập trung tại các khu đất trống để đốt, tự phân hủy.
CTR phát sinh nhiều, trong khi công nghệ xử lý còn non kém chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp, số lượng được xử lý mỗi ngày chẳng khác nào muối bỏ bể so với lượng rác phát sinh thực thụ. Đó là chưa kể tới việc chôn lấp rác thải sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm khu vực Hà Nội. Điều này đang là bài toán nan giải mà Thủ đô Hà Nội gặp phải.
Giải pháp cho tương lai
Để giải quyết những khó khăn trên, mới đây, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội vừa lập và trình thẩm định Đồ án Quy hoạch xử lý CTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Đồ án cuối cùng trong số các đồ án quy hoạch chuyên ngành của Hà Nội sau khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồ án đưa ra những dự báo có tính toán về khả năng phát sinh của 6 loại CTR trên địa bàn Thủ đô từ nay đến năm 2050 cũng như quy hoạch mạng lưới những điểm trung chuyển CTR và các giải pháp công nghệ xử lý CTR.
Mục tiêu Đồ án đưa ra, đến năm 2030, phấn đấu 99% lượng CTR trên địa bàn Thủ đô sẽ được thu gom và xử lý hợp lý. Đến năm 2050, tỷ lệ này đạt mức 100%.
Theo đồ án, việc tổ chức thu thu gom, vận chuyển và xử lý CTR trên địa bàn Hà Nội sẽ theo 3 vùng: Vùng I là khu vực nội đô, khu vực vành đai 2 đến sông Nhuệ, các khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng. Vùng II là khu vực phía Nam TP (gồm các quận, huyện Thanh Trì, Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức). Vùng III là khu vực phía Tây TP (gồm các huyện, thị xã Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Tây).
Theo các chuyên gia về hạ tầng kỹ thuật, việc tổ chức phân chia thu gom, xử lý CTR theo khu vực là giải pháp hợp lý và phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Việc phân vùng thu gom CTR phải được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo cự ly vận chuyển phù hợp với phương tiện thu gom, vận chuyển CTR cũng như đảm bảo bán kính phục vụ phù hợp với quy mô, quỹ đất các khu xử lý rác thải tập trung sẽ giúp giảm tránh nguy cơ rác thải tập trung quá mức vào một khu vực.
Các chuyên gia cũng cho rằng đây là cơ sở rất quan trọng để Hà Nội có những bước đột phá trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc về CTR trong tương lai.
Thụy Anh