NGÀY ẤY KHÔNG QUÊN
30 NĂM CỦA THẾ HỆ SINH VIÊN 34MT2 ĐẠI HỌC XÂY DỰNG
Trịnh Xuân Đức., PhD
Chủ tịch HĐQT Công ty VINSE
Thế hệ chúng tôi được sinh ra vào những năm đầu thập niên 70, với những ký ức đau thương của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết mình thực hiện tiếp ước mơ dang dở của thế hệ sinh viên đã anh dũng ngã xuống trong Chiến dịch Xuân – Hè năm ấy.
Thời thơ ấu của chúng tôi gắn liền với một thời bao cấp. Chắc hẳn thế hệ sinh viên ngày nay chẳng thể nào hiểu tại sao hàng hóa lại được phân phối theo chế độ tem phiếu, theo định lượng chứ không phải mua bán bằng tiền. Ngoài giờ học, chúng tôi còn phải đi đặt gạch xếp hàng cho bố mẹ để mua thực phẩm cho gia đình mà biết rằng số thực phẩm này chẳng bao giờ đủ với những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Ước mơ giản dị của chúng tôi chỉ là được “ăn no, mặc ấm”. Có sinh ra ở thời kỳ ấy mới thấm thía những câu vè: Nhất gạo nhì rau; Tam dầu tứ muối; Thịt thì đuôi đuối; Cá biển mất mùa; Đậu phụ chua chua; Nước chấm nhạt thếch; Mì chính có “đếch”; Vải sợi chưa về; Săm lốp thiếu ghê;Cái gì cũng thiếu…
Sự đói nghèo càng làm cho chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hết sức mạnh của tình cảm gia đình. Sự hy sinh hết lòng của ông bà, cha mẹ, sự đồng cam cộng khổ của cả gia đình khiến thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy mình đang mắc những món nợ rất lớn. Muốn trả được món nợ ấy, không có cách nào khác hơn là phải vượt lên mọi hoàn cảnh để làm giàu một cách chính đáng.
Đại học xây dựng ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, trường phải rời Thủ đô Hà Nội đi sơ tán ở nhiều nơi trên các tỉnh Hà Bắc, Vĩnh Phú... Cuối năm 1983, trường chuyển về Hà Nội nhưng vẫn còn phân tán ở 4 khu vực: Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa và Đồng Tâm; đến năm 1991 trường mới tập trung tại Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đại học xây dựng là nơi đào tạo nguồn kỹ sư chất lượng cao phục vụ cho thời kỳ đổi mới ở nước ta. Với mong muốn góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước, thế hệ thanh niên chúng tôi đã nỗ lực học tập và vinh dự trở thành tân sinh viên đại học Xây dựng niên khóa 1989, Khoa Kỹ thuật Môi trường. Vừa rời ghế nhà trường, hành trang để bước vào giảng đường sinh viên của chúng tôi chỉ là vài bộ quần áo cũ sờn, và những hoài bão về một tương lai tươi đẹp. Ngày ấy, có được chiếc xe đạp đã là sang lắm. Phần lớn chúng tôi đi bộ đến trường, đúng như câu hát “Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường- Bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số…”. Sinh viên xây dựng thì luôn có những “đặc điểm nhận dạng” riêng với các trang phục rất “chất”: quần bò cũ, rách tua rua, áo caro, bị cói hoặc balo.... Bây giờ nhìn lại chúng tôi vẫn cười với nhau sao trang phục hồi đấy “ngố” thế mà vẫn là “fashion” một thời.
Phải thú thật rằng, thời đó khái niệm Kỹ thuật môi trường còn khá mơ hồ đối với tất cả mọi người. Khi kinh tế khó khăn, người ta chỉ quan tâm đến nhu cầu thiết yếu như có đủ cơm ăn, nước uống chứ chưa nghĩ đến liệu nguồn nước đó đã hợp vệ sinh hay chưa, tại sao phải xây dựng nhà máy xử lý nước sạch hay rác thải chưa được xử lý ảnh hưởng thế nào đến môi trường. Chúng tôi nhập học nhưng cũng chưa biết rằng ngành học của mình sau này sẽ áp dụng thế nào trong cuộc sống. Qua quá trình học tập, với sự nhiệt tình, tận tâm của các thầy cô giáo, những cô cậu sinh viên chúng tôi đã hiểu được ý nghĩa thiết thực của ngành nghề mình đang theo học. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về mặt vật chất ngày ấy, chúng tôi thực sự biết ơn các thầy cô giáo của trường, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn tiếp thêm cho chúng tôi về ý chí, nghị lực và tư duy cuộc đời. Trên tất cả, thầy cô giáo đã dạy chúng tôi những bài học về tinh thần trách nhiệm, bài học về Tình và Nghĩa. Sau này, những người thầy đầu tiên ấy lại trở thành những người tư vấn tận tâm nhất trong các dự án của chúng tôi.
Nhờ vậy, chúng tôi rất hào hứng học tập mặc dù ngành học kỹ thuật là rất nặng, đặc biệt khi bạn muốn kiếm học bổng. Thời chúng tôi, học bổng rất có giá trị vì nó trang trải được phần lớn sinh hoạt phí của sinh viên. Các bạn trong lớp tôi đều hòa đồng, chỉ cần qua một vài buổi sinh nhật là thân nhau như anh em, không phân biệt sinh viên thành phố hay tỉnh lẻ.
Nhớ những sáng mùa đông trời lạnh căm căm khi đến trường bàn tay đã cứng lại, những ngày hè đạp xe ngược gió dưới trời nắng chang chang. Nhớ những ngày trời vào thu se lạnh cặm cụi trên thư viện học bài mà nghe thoang thoảng mùi hoa sữa. Rồi những ngày mưa to nước ngập sân trường, chúng tôi xách dép xắn quần vào lớp, nhưng vẫn thấy hạnh phúc. Nhớ những bữa cơm đạm bạc nhưng tràn ngập tiếng cười ở ký túc xá sinh viên. Nhớ những đêm thức trắng ôn thi dù hai mắt đã muốn nhắm chặt lại để ngủ. Gần đến ngày thi, các thầy cô vẫn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi chỉnh sửa đồ án bất kể ngày hay đêm.
Một phần tuổi thanh xuân của chúng tôi đã gửi lại tại Trường Đại học Xây dựng. 5 năm cùng nhau đi qua những khoảnh khắc đẹp nhất của thời sinh viên có lẽ là quãng thời gian khó quên nhất trong lòng mỗi người. Từng dãy nhà, từng bậc hành lang trên lối đi và cả cây phượng già ở góc sân, tất cả đều chứng kiến quá trình học tập và trưởng thành của chúng tôi tại mái trường này.
Chúng tôi may mắn đã nếm trải đầy đủ những hương vị cuộc sống, cho dù hương vị đó có cả đắng cay và ngọt bùi. Những ký ức trong cuộc sống, theo năm tháng sẽ tạo nên sự trưởng thành, bản lĩnh trong mỗi con người. Đã 25 năm trôi qua kể từ khi chúng tôi tốt nghiệp, thời gian và hoàn cảnh đã khiến chúng tôi mỗi người một nơi. Có bạn đang định cư ở nước ngoài, ở trong Nam, ngoài Bắc, có nhiều bạn về phục vụ quê nhà. Có bạn theo đuổi sự nghiệp riêng, có bạn giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, các công ty lớn. Chính sự tận tâm của các thầy cô giáo đã góp phần thắp lên ngọn lửa đam mê với nghề của chúng tôi, để hôm nay tôi tự hào nói rằng phần lớn chúng tôi đều quyết tâm theo đuổi ngành kỹ thuật môi trường và có những thành công nhất định trong cuộc sống.
Bản thân tôi thấy mình có duyên với ngành kỹ thuật môi trường. Tính đến nay, tôi đã có 25 năm tuổi nghề, trải qua nhiều vị trí tại nhiều cơ quan khác nhau. Tôi đã phát triển được nhiều công nghệ xử lý nước cấp, nước thải có ý nghĩa thực tiễn và được ứng dụng tại nhiều nơi trên toàn quốc.
Trường Đại học Xây dựng và Khoa Kỹ thuật môi trường đã cho chúng tôi những nền tảng kiến thức cơ bản nhất, là nơi đặt những viên gạch đầu tiên hình thành cách tư duy của một kỹ sư chân chính. Từ những trải nghiệm nơi đây, chúng tôi đã bước qua những lực cản bỡ ngỡ của tuổi trẻ, để tự tin, mạnh mẽ hơn và sẵn sàng trước những gian truân khi lập nghiệp.
Với tư cách là một cựu sinh viên của trường, tôi muốn chia sẻ đến các em sinh viên, những thế hệ sẽ định hình cuộc sống của chúng ta vào thế kỉ này.
Thành công không bao giờ đến dễ dàng. Theo đuổi niềm tin nghĩa là sẵn sàng đối mặt với mọi gian nan, thử thách, thậm chí là chỉ trích từ nhiều phía. Các em hãy nhớ: “1% của sự khác biệt chính là yếu tố tạo nên sự thành công”. Hãy tạo sự khác biệt và kiên trì theo đuổi ước mơ của mình, các em sẽ thành công.
Trường đại học Xây dựng là một điểm bắt đầu để các em trau dồi đạo đức, kiến thức và chuyên môn để tiếp bước vào đời. Nhưng các em chỉ có thể thành công và hạnh phúc khi có đầy đủ đức và tài. Vì vậy, hãy tập cho mình thói quen “tử tế” từ suy nghĩ đến hành động, như những lời gửi gắm của thầy giáo chân chính- PGS.TS Văn Như Cương: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nhân tầm cỡ,…nhưng trước hết phải là những người tử tế”.