CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
TỌA ĐÀM VỚI DOANH NGHIỆP VÀ CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH NƯỚC

Nằm trong kế hoạch cải tiến, đổi mới Chương trình đào tạo của Trường đại học Xây dựng, được sự hỗ trợ của Dự án “Phát triển ngành Nước và Vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác mới” (Diễn đàn Nước Phần Lan và Hội Cấp thoát nước Việt Nam), Bộ môn Cấp thoát nước, Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường đại học Xây dựng tổ chức buổi Tọa đàm với doanh nghiệp và các bên liên quan về đổi mới chương trình đào tạo Ngành nước. Buổi tọa đàm có sự tham dự của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các giảng viên bộ môn Kỹ thuật Cấp thoát nước trường Đại học Xây dựng và các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nước từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

 

 

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của sinh viên tốt nghiệp trong bối cảnh hội nhập của thị trường lao động Việt Nam hiện nay và hướng đến đạt các tiêu chuẩn quốc tế, Trường Đại học Xây dựng giao nhiệm vụ cho Bộ môn Cấp thoát nước triển khai xây dựng điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước theo hướng tiếp cận CDIO.

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tiếp cận CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate - Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Vận hành) trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo đại học các ngành kỹ thuật đang trở thành một cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng tại nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới. Hướng tiếp cận này đặc trưng bởi sự kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học, doanh nghiệp và các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo.

 

Mục tiêu tổng quát của chương trình là đào tạo các kỹ sư chất lượng cao, có khả năng xác định và áp dụng các giải pháp tiên tiến để giải quyết các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực Cấp thoát nước, Kỹ thuật hạ tầng và Kỹ thật môi trường, đặc biệt trong sản xuất và cung cấp nước sạch, quản lý bền vững tài nguyên nước cũng như quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên ngành cốt lõi, cập nhật kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn và thái độ làm việc chuyên nghiệp giúp sinh viên hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành các hệ thống sản xuất và cung cấp nước sạch, quản lý bền vững tài nguyên nước cũng như quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

 

Mục tiêu cụ thể của chương trình là sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cấp thoát nước sẽ có khả năng ứng dụng kiến thức về khoa học, kỹ thuật và toán học để phát hiện và giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp, bao gồm sản xuất và cung cấp nước sạch; thu gom và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn; tái sử dụng và thu hồi tài nguyên, năng lượng từ các loại chất thải; kiểm soát ô nhiễm công nghiệp; hệ thống kỹ thuật trong công trình và quản lý bền vững tài nguyên nước, có khả năng triển khai các thiết kế nhằm cung cấp các giải pháp cụ thể, có xem xét các yếu tố về sức khỏe, an toàn, lợi ích cộng đồng cũng như các yếu tố môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế và hội nhập, có khả năng giao tiếp hiệu quả với các bên liên quan khi thực hành nghề nghiệp, công nhận và cam kết thực hiện trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; có khả năng đánh giá các giải pháp kỹ thuật trên cơ sở các kiến thức chuyên môn, hiểu biết về kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật trong bối cảnh làm việc liên ngành, đa văn hóa, đa quốc gia, có khả năng làm việc nhóm hiệu quả, có khả năng lãnh đạo nhằm cùng các thành viên của nhóm thiết lập mục tiêu, kế hoạch, tạo dựng môi trường làm việc xây dựng, chia sẻ để hoàn thành các nhiệm vụ, có khả năng tiến hành các thực nghiệm, phân tích, diễn giải và đánh giá các kết quả nhằm rút ra các kết luận có giá trị khoa học, có khả năng tiếp tục tự học, tự nghiên cứu và áp dụng các kiến thức mới.

 

 

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng nêu lên vai trò của doanh nghiệp và khả năng hợp tác theo hình thức mới như  các hoạt động truyền thống nhưng được tổ chức có hệ thống, thường xuyên, lồng ghép vào quá trình dạy và học, ra đề bài thực tế cho sinh viên làm đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp, làm đồ án tốt nghiệp tại công ty, công ty tham gia chấm đồ án tốt nghiệp, triển khai các đề tài R&D với sự tham gia của Sinh viên đồng thời sinh viên được hưởng kết quả.

 

Ông Nguyễn Việt Hưng, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Môi trường Việt Nam tham dự buổi tọa đàm cũng chia sẻ những quan điểm và ý kiến đóng góp vào chương trình đào tạo với các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động, nâng cao thương hiệu của kỹ sư Kỹ thuật Cấp thoát nước trường Đại học Xây dựng.

 

 

Các ý kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp nói chung và của Công ty Cổ phần Xây dựng và Môi trường Việt Nam nói riêng được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự thành công của kế hoạch đổi mới chương trình đào tạo ngành kỹ thuật Cấp thoát nước trường Đại học Xây dựng cũng như đóng góp thiết thực cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Nước ở Việt Nam.

 

PV. Phạm Hồng Ngọc

Đối tác